8 giải pháp “đột phá” cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Theo báo cáo trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xác định 8 giải pháp đột phá nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020.
Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất về tính tất yếu và tầm quan trọng của thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đến các cấp, ngành, địa phương và người dân và về xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu; tăng cường vai trò, trách nhiệm của Lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện chủ trương này.
Hai là, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện các mục tiêu tại Nghị quyết 26/NQ-TW của Trung ương 7, Khóa X và các chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để mở rộng sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ba là, rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó, tiếp tục rà soát quy hoạch, chiến lược, kế hoạch sản xuất từng lĩnh vực và lợi thế của từng địa phương, tính đến nhu cầu thị trường (trong nước và thế giới) và ứng phó với BĐKH; cơ cấu lại sản phẩm theo 3 nhóm:
Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên và thịt lợn, gia cầm), tiến hành rà soát quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến;
Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, các địa phương căn cứ lợi thế và điều kiện cụ thể, lựa chọn nhóm sản phẩm này để quy hoạch và đầu tư theo hướng như đối với sản phẩm quốc gia nhưng quy mô cấp địa phương; có chiến lược và giải pháp để mở rộng quy mô, sức cạnh tranh, từng bước bổ sung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia;
Nhóm sản phẩm vùng/miền là đặc sản của các địa phương, có chỉ dẫn địa lý cụ thể, nhưng có quy mô nhỏ, sẽ được xây dựng và phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã theo mô hình “Mỗi làng, xã một sản phẩm”.
Bốn là, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, cạnh tranh quốc tế; thực hiện chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn.
Năm là, tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ giải quyết các vấn đề căn cốt trong chuỗi sản xuất, nhất là công nghệ giống, quy trình và các khâu chế biến, phân phối với cả 3 nhóm sản phẩm quốc gia, cấp tỉnh, sản phẩm địa phương; phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của ngành; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nông dân, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH của ngành.
Sáu là, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường
Bộ sẽ thành lập cơ quan quản lý tập trung, thúc đẩy chuỗi chế biến nông sản gắn với mở rộng thị trường; kết hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và tổ chức của nông dân để khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu, kể cả thị trường truyền thống và nhóm thị trường mới; tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; nghiên cứu đánh giá các tác động của hội nhập quốc tế đem lại; tăng cường năng lực dự báo và thông tin thị trường trong nước và quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế.
Phát triển mạnh thị trường trong nước, điều hành cân đối cung cầu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, nhạy cảm; phát triển hệ thống bán lẻ, xây dựng hình ảnh nông sản chất lượng cao, an toàn thực phẩm và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng; đẩy nhanh hoàn thành xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực quốc gia, đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý.
Bẩy là, tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế; tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; cơ bản nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, bao gồm cả các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng CNH, HĐH và rút dần khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.
Tám là, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý ngành từ trung ương đến địa phương. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc các cấp, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để tạo được chuyển biến rõ rệt trong thực tế, cần triển khai đồng bộ cả 8 giải pháp trên, trong đó trọng tâm là phải hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng KHCN và đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất (đổi mới mô hình tăng trưởng) để tạo “đột phá” trong cơ cấu lại nông nghiệp.
Tại phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đưa ra lộ trình thực hiện năm 2020 và nhưng năm tiếp theo.
Theo đó, trên cơ sở 4 năm (2013-2016) thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 6 năm 2017, làm cơ sở triển khai thực hiện từ năm 2017 và giai đoạn tiếp theo.
Các mục tiêu cụ thể đến 2020 sẽ là:
- Tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt tối thiểu 3%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông nghiệp đạt trên 3,5%/năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp có chứng chỉ đào tạo tăng lên khoảng 22%; tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%.
- Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; khoảng 1.800 trang trại được công nhận/năm;
- Thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp; tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 42%.
Trên cơ sở kế hoạch đó, từng cơ quan đơn vị thuộc Bộ, các địa phương phải xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch cụ thể của lĩnh vực và địa phương mình. Hàng năm, Bộ sẽ xây dựng kịch bản tăng trưởng của ngành và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho phù hợp và hiệu quả.
Để giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đề ra trong quá trình cơ cấu lại ngành, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Bộ Tiêu chí theo dõi đánh giá thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đến năm 2020 (Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 12/5/2017). Từ nay đến năm 2020 và giai đoạn tiếp theo, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hướng dẫn và triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí này để có cơ sở hơn đánh giá kết quả thực hiện trong những năm tiếp theo.
Theo Enternews.vn