Nông trại ở Vĩnh Tường
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đặt trọng tâm phát triển là chăn nuôi lợn, bò sữa và bò thịt. Riêng về chăn nuôi lợn, hiện toàn tỉnh có gần 506.000 con lợn, sản lượng thịt đạt trên 72.000 tấn/năm. Mấy năm gần đây luôn xuất siêu thịt lợn cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Kết quả trên 4000 phiếu khảo sát nhu cầu thịt lợn trên thị trường có tới 70% số gia đình sử dụng thịt lợn hàng ngày…Để có thêm thông tin về vấn đề này, chúng tôi tìm đến các nông gia trại chăn nuôi lợn ở Vĩnh Tường.
Dưới nắng hè chói chang, chúng tôi cùng anh Thảo, cán bộ Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Vĩnh Tường đi trên bờ kênh gập gềnh, khúc khuỷu tới khu nhà nằm như bát úp giữa đồng lúa mới thu hoạch còn thơm mùi rơm rạ. Khu nhà có ao cá, hàng cây, được quy hoạch như công viên du lịch sinh thái ở xã Thượng Trưng. Đó là Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Trường Tùng. Dân ở đây gọi là nông trại chị Huyền. Từ cổng trang trại, tiếng xa máy vè vè quặt vào sân, phanh kít ngay ở cửa phòng khách. Anh cán bộ phòng Nông Nghiệp huyện quay ra giới thiệu: Đây là chị Bùi Thị Huyền, chủ trang trại nuôi lợn ngoại siêu nạc Trường Tùng. Biết tiếng chị Huyền từ trước, hôm nay mới gặp. Tiếp chúng tôi là bà chủ nông trại, trạc tuổi tứ tuần, vận áo màu xanh của người lao động. Nhìn dáng người chắc đậm, nhanh nhẹn, hoạt bát, tôi hiểu đây chính là người chèo lái trang trại có hàng nghìn con lợn siêu nạc, gần ngang với một nông trường chăn nuôi thời bao cấp. Chị Huyền kể, vợ chồng em mới tiếp quản cơ ngơi này từ năm ngoái của một cơ sở sản xuất cũ làm ăn chưa thành công. Cơ duyên còn ở chỗ, anh Trường chồng em rất say mê với con vật nuôi nhất là chăn nuôi lợn. Vì thế nên chăn nuôi “bài bản”, chắc chắn thu nhập sẽ cao hơn trồng lúa rất nhiều. Thách thức lớn nhất phải vượt qua là kiểm soát được dịch bệnh. Nghề này đòi hỏi phải không quản ngại ngần đêm thức canh lợn ốm. Mình ốm chưa nghĩ đến việc mua thuốc ngay, nhưng lợn ốm là tức khắc gọi bác sỹ thú y về tận nhà. Hai ngày phun thuốc sát trùng một lần, kể cả dùng thuốc của người chữa bệnh cho lợn. Để lợn chết tự nhiên thì lấy đâu ra lãi nữa. Cháu lớn nhà em năm nay hết lớp 12, không đi du học mà học nghề thú y.
Trên diện tích 2,2ha, vợ chồng chị đầu tư 4,3 tỷ đồng xây dựng 4 khu chăn nuôi lợn công nghiệp chuồng kín (có hệ thống làm mát ở khoảng 280C vào mùa Hè và sưởi ấm vào mùa Đông) và một chuồng mở. Kết hợp hệ thống xử lý chất thải, xây bờ ao, thả cá, trồng cây giữ môi trường sinh thái cho chủ chăn lợn và cho đàn lợn phát triển. Chả thế mà lúc này ngoài trời là 360C, trong khu trại lợn chuồng kín chúng tôi chụp ảnh chỉ 280C. Anh công nhân dẫn chúng tôi đi xem trại lợn nói vui: Ở trong này với lợn thích hơn ở ngoài kia nhiều phải không bác? Chị Huyền nói cặn kẽ từng công đoạn chăn nuôi, từ khi đưa lợn giống mỗi con 5-7kg vào chuồng, sau 4 tháng rưỡi nuôi, xuất chuồng, trung bình mỗi con 100kg trở lên là đạt định mức. Kỹ thuật thì dứt khoát phải theo đúng ba-rem của Công ty DABACO. Người ta hợp tác với mình chính xác đến từng tháng tuổi của lợn, chứ không thể tùy tiện…
Tôi hỏi, chăn nuôi bảo đảm quy trình kỹ thuật thế thì lời lãi ra sao? Chị Huyền nói ngay từng con số, tiền giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, điện, tiền thuê nhân công (15 triệu đồng/3 người/1 tháng), tiền dầu máy phát khi mất điện, rồi tiền xà phòng, găng tay, ủng chân, quần áo bảo hộ lao động…Từ đầu năm đến nay, xuất được 1 lứa 1.500 con, giá bán 47.000đ/kg, trừ tất cả chi phí, mỗi con lợn lãi 400 ngàn đồng. Chị Huyền chỉ mong muốn có chính sách được vay vốn ưu đãi lãi suất để phát triển trang trại bền vững. Nông trại của chị cần thường xuyên 6 tỷ đồng để giữ đàn lợn 1.500 con. Đầu tư lớn lại không mua chịu được thứ gì. Như để kết thúc câu chuyện, chị nói: Như các anh thấy đấy, chăn nuôi lợn công nghiệp cũng vất vả vô cùng, thành quả thu được tiền tỷ thật nhưng vẫn còn bấp bênh…
Đi tiếp trong nắng chang chang, chúng tôi đến thăm gia trại của ông Trần Văn Tính ở xã Kim Xá. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 đã được xây dựng cách đây vài chục năm bên cạnh căn nhà tầng hiện đại, ông nói, đây là kỷ niệm thời gian khó của gia đình ông. Nhập ngũ năm 1971 ở khẩu đội 12 ly 7, Trung đoàn 27, Sư đoàn 320, chiến đấu tại mặt trận Hải Lăng, Triệu Phong, Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972. Ông là CCB, hội viên Hội Chiến sỹ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị tỉnh Vĩnh Phúc. Sau ấm trà mời khách là đồng đội cũ trong chiến trường Quảng Trị, ông hồi tưởng cái thời mười chín, đôi mươi gian khổ, ác liệt ở chiến trường…Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước về quê làm ruộng. 20 năm khởi nghiệp “Đất nghèo nuôi ý chí” với phương châm “Tự sản, tự tiêu”, cày cấy, chăn nuôi lấy sản phẩm nuôi sống gia đình. Cải tạo vùng đất trũng sản xuất kém hiệu quả thành gia trại 8ha (4ha đồi, 4ha mặt nước). Từ sản xuất hàng hóa tích lũy nguồn vốn, từng bước đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. “Có tiền đến đâu làm đến đó” gia đình ông đầu tư 1,7 tỷ đồng xây dựng 2 chuồng chăn nuôi lợn, 1,5 tỷ đồng xây dựng trại nuôi gà theo phương pháp bán công nghiệp. Công ty DABACO chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh từ con giống đến bao tiêu sản phẩm. Hai ông bà tuổi ngoại lục tuần ơn trời còn sức khỏe. Hai con trai, hai con gái cùng làm với ông bà nên không phải lo khâu lao động. Mấy năm nay, cứ đều đặn hai năm được năm lứa xuất chuồng, nhưng chưa lứa nào có lợn dưới 100kg, có lứa còn có nhiều con lợn cân nặng tạ tư, tạ rưỡi. Gia trại nhà ông nhiều lứa có 2000 con lợn, 2 vạn gà ri, gà đồi, cuối năm, dưới ao là hàng chục tấn trôi, mè, trắm, chép. Lợn, gà, cá trong gia trại bảo đảm tiêu chuẩn Việt GAP. Ô tô về là hết hàng, nên chưa bao giờ phải lo khâu tiêu thụ. Chia sẻ kết quả làm gia trại với tôi là đồng đội cũ và anh cán bộ phòng nông nghiệp, cả hai ông bà Tính đều cho rằng: Nghề chăn nuôi hội tụ đủ mọi vất vả, thách thức. Chỉ “mát tay” thôi thì chưa đủ, mà cần sự chịu thương chịu khó, thực hiện đúng mọi quy trình, đồng thời không ngại khổ, ngại bẩn, chuồng trại luôn sạch sẽ tinh tươm. Đàn lợn được tắm mát, ăn no, sạch bệnh đang nuôi lại mình.
Ngồi ở trại lợn, nhìn sang trại gà bên hồ nước xanh trong lấp lánh ánh bạc đuôi cá vẫy dưới trưa hè, chúng tôi càng cảm phục suy nghĩ táo bạo và thiết thực về cách làm nông gia trại của ông Tính, Chị Huyền. Họ đã mạnh dạn làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Không dừng lại ở đó, họ còn luôn tận tình chia sẻ, hướng dẫn cho những người dân địa phương cách chăn nuôi cho phù hợp và mang lại hiệu quả cao ở đồng đất quê hương.
Chương trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi trong tỉnh rất cần những nông gia trại như thế.
Theo báo Vĩnh Phúc