Quy chế tổ chức và hoạt động của con em làng Phú Hạnh tại Hà Nội
Tổ chức gặp mặt thân mật hàng năm đối với cán bộ, con em của làng Phú Hạnh đang sinh sống, công tác, học tập tại Hà Nội là hình thức tổ chức tự giác, tự nguyện trên tinh thần đã được thống nhất.
Điều 1. Tổ chức và mục đích hoạt động
Tổ chức gặp mặt thân mật hàng năm đối với cán bộ, con em của làng Phú Hạnh đang sinh sống, công tác, học tập tại Hà Nội là hình thức tổ chức tự giác, tự nguyện trên tinh thần đã được thống nhất.
Mục đích hoạt động họp mặt là tập hợp, đoàn kết, động viên, khuyến khích cán bộ, con em làng tích cực học tập công tác, phấn đấu vươn lên, phát huy truyền thống quê hương; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở nơi sinh sống hoặc công tác; chăm lo, giúp đỡ lẫn nhau về vật chất và tinh thần; sống vui, sống khỏe, có ích; có những đóng góp thiết thực xây dựng quê hương.
Điều 2. Tính chất và Nguyên tắc hoạt động
Họp mặt gặp gỡ thân mật con em làng Phú Hạnh được tổ chức và hoạt động theo cơ chế tập trung dân chủ đã được bàn bạc thống nhất. Ban liên lạc do tập thể con em ở HN bầu ra với nhiệm kỳ 3 năm, bắt đầu nhiệm kỳ 2015 - 2017.
Ban Liên lạc có 2 kỳ họp trong năm (đầu năm và trước hội họp toàn thể). Hội họp toàn thể cán bộ, con em làng Phú Hạnh tại Hà Nội thông thường vào cuối năm, cũng có thể vào ngày nào đó trong năm khi có nhiều điều kiện thuận lợi.
Điều 3. Thành viên của làng Phú Hạnh tại Hà Nội
3.1. Thành viên
Cán bộ, con em làng Phú Hạnh hiện đang sinh sống công tác, học tập tại Hà Nội tán thành quy chế tổ chức và hoạt động, tự nguyện đều trở thành thành viên.
3.2. Nhiệm vụ của thành viên
- Thực hiện đầy đủ quy chế và tổ chức hoạt động đã đề ra;
- Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; không vi phạm các quy định của cơ quan, đơn vị cơ sở và địa phương nơi sinh sống;
- Xây dựng tổ chức con em làng Phú Hạnh hiện đang ở Hà Nội trong sạch, vững mạnh về mọi mặt;
- Tham gia tích cực, tự nguyện các hoạt động, cùng chia sẻ những hoàn cảnh khó khăn của thành viên, gia định thành viên;
- Bằng công sức, trí tuệ, khả năng của từng thành viên tham gia trực tiếp hoặc tư vấn, hỗ trợ các hoạt động nơi đang sinh sống;
- Tư vấn, hỗ trợ, tạo việc làm cho con, em thành viên khi có điều kiện hoặc giới thiệu đến mối quan hệ khác, xây dựng quỹ hợp pháp;
- Trong khả năng và điều kiện cho phép, các thành viên có thể đóng góp vật chất, kinh phí, tinh thần cho hoạt động hữu ích hàng năm;
- Đóng kinh phí cho các hoạt động đầy đủ khi đã được thống nhất.
3.3. Quyền lợi của thành viên
- Được tham gia sinh hoạt các hoạt động của tổ chức, được thông tin tình hình hoạt động của cán bộ, anh chị em làng Phú Hạnh đang công tác, sinh sống tại Hà Nội;
- Được giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng và hợp pháp;
- Được thảo luận, phê bình, chất vấn, kiến nghị, biểu quyết công việc;
- Được đề cử, ứng cử, bầu cử vào ban liên lạc;
- Được ban liên lạc và tổ chức của làng Phú Hạnh ở Hà Nội thăm hỏi khi đau ốm, tai nạn…;
- Được tặng quà mừng thọ hàng năm tại cuộc họp toàn thể cho những thành viên sinh nhật đến tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 91, 92…;
- Trường hợp thành viên có người ruột thịt trong gia đình qua đời thì được đại diện ban liên lạc cử đại diện đến phùng viếng. Trường hợp thành viên qua đời được ban liên lạc tổ chức thành viên đến phúng viếng;
- Gia đình thành viên gặp khó khăn, hoạn nạn… được quan tâm giúp đỡ về tinh thần và vật chất theo khả năng hiện có.
Điều 4. Ban liên lạc
- Ban liên lạc của những cán bộ đang sinh sống, công tác tại Hà Nội do hội nghị toàn thể cán bộ bầu ra, tối thiểu 05 người, tối đa 07 - 08 người.
- Ban liên lạc có trưởng ban, các phó trưởng ban và các ủy viên phụ trách các công việc: thường trực, tổ chức, đối ngoại, thư ký, kinh tế tài chính...
Điều 5. Các bộ phận nhỏ thành viên
- Trên cơ sở số lượng cán bộ đang sinh sống và công tác tại Hà Nội để tổ chức thành những bộ phận nhỏ cho thuận tiện nắm bắt tình hình và xử lý kịp thời.
- Thành viên trong từng bộ phận nhỏ sẽ được cán bộ trong ban liên lạc phụ trách để nắm và truyền thông tin.
Điều 6. Mối quan hệ giữa tổ chức của làng Phú Hạnh ở Hà Nội với các đoàn thể, cơ quan liên quan
- Quan hệ với các cơ quan, đơn vị khác trong khu vực để học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau
- Quan hệ với các hội cấp xã, cấp huyện trong tỉnh
Điều 7. Tài chính
7.1. Nguồn kinh phí
- Kinh phí hoạt động trong từng năm do thành viên đóng góp: 300.000 đồng/người/năm;
- Kinh phí cho buổi gặp mặt toàn thể hàng năm do thành viên đóng góp: 200.000đồng/người
- Các cá nhân, cơ quan, đơn vị ủng hộ;
- Các khoản thu nhập hợp pháp khác;
7.2. Chi phí từ nguồn kinh phí
- Chi hội họp, gặp mặt (lễ tân, khánh tiết)
- Chi ăn cho buổi gặp mặt toàn thể hàng năm
- Chi thăm hỏi thành viên khi ốm đau, tai nạn, phúng viếng…
- Chi mừng thọ hàng năm
- Chi khác (nếu có)
Mức tiền chi sẽ có quy định cụ thể trong chi tiêu nội bộ từng thời kỳ.
Điều 8. Thực hiện
Quy chế tổ chức và hoạt động được cán bộ, anh chị em làng Phú Hạnh hiện đang sinh sống, công tác tại Hà Nội thông qua ngày 21/06/2015, được thực hiện từ ngày thông qua.
Ban liên lạc