Website Làng Phú Hạnh - Thượng Trưng - Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc

Nhà nhiếp ảnh kể câu chuyện của giếng làng

Miệt mài nhiều năm nay, anh Lê Bích - một nhiếp ảnh gia tự do đã đi tìm chụp gần 100 cái giếng của các ngôi làng Việt. Lê Bích chụp ảnh giếng chỉ để kể câu chuyện của giếng làng.

Thưa anh, rất nhiều người trên mạng xã hội facebook đã thích thú chiêm ngưỡng và dõi theo bộ sưu tập ảnh về giếng làng của anh, từ đâu mà anh có ý tưởng làm bộ ảnh này?

- Là người chụp ảnh theo đuổi đề tài về làng nghề, tôi dành thời gian đi khắp các làng quê Bắc Bộ để tìm hiểu và chụp ảnh về các nghề truyền thống, đồng thời vinh danh các nghệ nhân làng nghề. Trong các chuyến đi đó tôi bắt gặp những chiếc giếng làng rất đẹp. Ở ngoài Bắc hầu như làng nào cũng có ít nhất một cái giếng, là một thành phần không thể thiếu đã tạo thành hình ảnh “cây đa, giếng nước, sân đình”.

Giếng không chỉ là nguồn nước mà còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh đã tạo nên văn hóa làng. Thế nhưng, ngày nay, giếng làng không còn được bảo vệ như trước, nơi thì bị lấp để làm đường, nơi thì bị ô nhiễm không thể sử dụng, chỗ thì đất cứ tự đùn lên làm cạn giếng. Tôi chụp bộ ảnh này chỉ muốn làm sao để nhiều người dân cùng biết rằng có những cái giếng làng đã từng tồn tại, giờ đang phải đương đầu với những đổi thay của thời thế, để họ cùng có ý thức giữ gìn.


Một tác phẩm Giếng làng của nhiếp ảnh gia Lê Bích.
Ở những ngôi làng anh đã từng qua, trong tâm thức người dân, một cái giếng nước mát lành, là nơi sinh hoạt cộng đồng chan hòa thân thiết có còn giữ được vị thế của nó nữa không?

- Trong nhiều ngôi làng, chiếc giếng vẫn được coi là một công trình linh thiêng, nhờ trò chuyện với nhiều người dân tôi được biết rất nhiều điều thú vị. Chẳng hạn ở làng Thượng Hội, xã Tân Hội (Đan Phượng, Hà Nội), có 3 giếng cổ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

Ba giếng cổ nằm lần lượt ở đầu làng, giữa làng và cuối làng. Chiếc ở đầu làng hình vuông, tượng trưng cho đất mẹ, nuôi dưỡng con người và soi bóng ngôi chùa cổ kính. Giữa làng, giếng xây tròn vành vạnh, dân thôn coi đó là hình mặt trời để ngày ngày luôn có ánh dương tỏa chiếu, hòa khí âm dương làm con người hạnh phúc. Ở cuối làng là chiếc có hình bầu dục.

Dân làng coi đây là tấm gương lớn, người dân trước khi ra khỏi làng hoặc lúc quay về thường soi mình vào đây. Giếng được xây gạch cẩn thận, có bậc lên xuống để gánh nước, tường xây gạch bao quanh, bệ thờ thần giếng vững chắc. Hay trong Hoàng thành Thăng Long, có đến 26 cái giếng cổ vẫn được bảo tồn tốt cho đến hôm nay, hoặc ở làng Diềm (Bắc Ninh) chiếc giếng cổ vẫn còn nguyên với những huyền tích và phong tục tốt đẹp. Chẳng hạn cho đến thời điểm này, trai làng Diềm đi hỏi vợ vẫn mang gạo nếp ra, lấy nước ở giếng vo để thổi xôi đem đi hỏi vợ. Tôi nghĩ giếng làng đã bén rễ rất sâu trong tâm thức của người dân nông thôn, việc nó bị ô nhiễm, không được bảo tồn tôn tạo có lẽ phần nhiều là do tác động ngoại cảnh, môi trường, cách thức sinh hoạt.

Từ bộ ảnh “Giếng làng” của nhà nhiếp ảnh Lê Bích, tháng 6.2013, một ê- kíp phim tài liệu của Trung tâm Sản xuất phim tài liệu, Đài Truyền hình VN đã tổ chức thực hiện một bộ phim về giếng làng. Đoàn phim đã mời tác giả bộ ảnh tham gia với tư cách người đồng hành, dẫn chuyện, phim hiện đang được làm hậu kỳ và sẽ phát sóng trên VTV thời gian tới.
Bộ ảnh về gần 100 chiếc giếng làng của anh thật công phu và đem đến nhiều cảm xúc cho người xem, anh có ý định mở một cuộc triển lãm không?

- Bộ ảnh của tôi thực hiện theo phong cách ảnh báo chí, để làm tư liệu, không dàn dựng mà tập trung phản ánh đúng sự thực, có thể nó không thiên về mỹ thuật nhưng nó sẽ là tư liệu tốt cho những ai quan tâm đến giếng làng.

Cũng có khá nhiều người làm về kiến trúc, tài nguyên môi trường đã mong muốn được sử dụng bộ ảnh của tôi để giúp sức cho việc nghiên cứu, giảng dạy của họ.

Về việc một triển lãm cá nhân thì đó không phải mục đích cuối cùng của tôi, vì chưa chắc số lượng người xem đã nhiều bằng việc những bức ảnh này được giới thiệu trên báo chí, mạng xã hội. Tôi muốn có nhiều người biết về những chiếc giếng làng này, cùng sẻ chia với nhau những kỷ niệm, cảm nhận để từ đó có ý thức giữ gìn một nét đẹp nguyên thủy của làng quê VN.

Theo cảm nhận của anh, cuộc sống hiện đại đã làm thay đổi những sinh hoạt cộng đồng làng quê bên bờ giếng như thế nào?

-Tôi rất yêu các làng quê với hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình vốn là nét đặc trưng của kiến trúc làng Việt. Trong đó giếng làng tồn tại trong nếp sống sinh hoạt có từ xưa. Chính vì vậy tôi đã đặt cho mình mục tiêu là chụp ảnh lại những chiếc giếng đẹp và phản ảnh những sinh hoạt cộng đồng. Tôi cũng ghi chép lại những câu chuyện được nghe kể về những chiếc giếng đó, nó gắn với cả cuộc đời của những cụ cao niên trong làng. Tại nhiều ngôi làng, giếng vẫn là nơi trẻ em tụ tập, bơi lội tắm mát, có giếng trong lành nên vẫn được người dân múc nước uống luôn, nhưng có nhiều giếng đã bị ô nhiễm nguồn nước đến mức không thể sử dụng nổi.

Tôi thích nhất một ý của họa sĩ Lê Thiết Cương về giếng: “Giếng là nơi sâu nhất của làng... Sâu nhất, thấp nhất cũng có nghĩa là nơi chứa đựng được nhiều nhất. Cho nên lòng giếng cũng là lòng làng, lòng người. Bất luận thế nào nếu nặng lòng quá với những gì đã qua, nếu cứ chứa chất mãi cho dù hay dở làm nó đầy thêm thì sống tiếp sao được?”. Thế nên mỗi năm, dân làng lại tát giếng, thau giếng, gánh nước giếng về nhà vào mỗi ngày đầu tiên của năm mới để cầu mong sự đủ đầy, hòa thuận. Những tục lệ tốt đẹp ấy, không nhiều làng còn giữ được. Đó là một điều tôi cảm thấy rất nuối tiếc.

Xin cảm ơn anh!

Ngọc Anh (thực hiện) 

Theo Dân Việt

BÁNH ĐÚC LÀNG PHÚ HẠNH
Thống kê truy cập

Số người online: 5

Tổng lượt xem trang: 4545

VỀ LÀNG HẠNH BẰNG CÁCH NÀO?

Thời gian dự tính xe qua làng Phú Hạnh

NHÀ XE Vĩnh - Hotline: 0982.148.309
Giờ chạy: 05h00
BUS Vĩnh Tường - Mỹ Đình
Giờ chạy: Liên hệ
Xe Anh Nguyên: 0986.396.772
NHÀ XE Vĩnh - Hotline: 0982.148.309
Giờ chạy: 12h00 tại bx Yên Nghĩa
BUS Vĩnh Tường - Mỹ Đình
Giờ chạy: Liên hệ
Xe Anh Nguyên: 0986.396.772